Nhạc sĩ Bảo Chấn trả lời thiếu thuyết phục

Là một người quan tâm đến âm nhạc VN và có một số kiến thức âm nhạc, tôi đã rất chờ đợi sự lên tiếng của nhạc sĩ Bảo Chấn. Tôi nhận thấy những câu trả lời của ông chưa đủ thuyết phục và thiếu cơ sở khoa học.
Là một bạn đọc từ nhiều năm nay của , thời gian vừa qua tôi có để ý theo dõi về nguồn gốc và sự giống nhau đến “y nguyên” giữa ca khúc “Tình thôi xót xa” – Bảo Chấn và bản nhạc “Frontier” của nữ nhạc sĩ Nhật Bản Keiko Matsui, và mới đọc bài trả lời của ông Bảo Chấn hôm nay. Tôi thấy đây là một vấn đề không nhỏ bởi nó liên quan đến danh dự, phẩm chất người nhạc sĩ và sự mến mộ, lòng tin của khán thính giả.
Tôi thấy những câu trả lời của ông Bảo Chấn chưa đủ thuyết phục và thiếu cơ sở khoa học. Xin nêu một vài góp ý sau:
1)Nhạc sĩ Bảo Chấn: “Tôi khẳng định không có chuyện mình mượn giai điệu từ phía Nhật Bản” . Nhạc sĩ khẳng định trên cơ sở nào (bản thảo viết tay có đăng ký bản quyền với cơ quan nào, năm nào). Còn việc các ca sĩ có từng trình diễn bài hát này thì không thể coi là bằng chứng đươc. Nếu đơn giản chỉ cần nói câu khẳng định như vậy thì ai cũng có thể khẳng định được là “tôi viết” bài này, bài kia…
2)Bảo Chấn: “Trong âm nhạc, sự trùng lặp là rất bình thường. Nếu nghe chương “Công nhân thuốc lá” của Carmen, bạn có thể liên tưởng đến ca khúc “Người Hà Nội”. Có sự tương đồng đơn giản là vì hai tác giả có tâm trạng giống nhau, bởi giai điệu được xác lập dựa trên cảm xúc”.
Câu này khiến cho người nghe vô cùng nghi ngờ về kiến thức âm nhạc của ông. Thứ nhất, nếu nghiên cứu toàn bộ lịch sử âm nhạc thế giới (và cả Việt Nam) từ khi hình thành nền âm nhạc chuyên nghiệp tới nay, (âm nhạc có tác giả – khác với âm nhạc dân gian truyền khẩu) từ thời kỳ âm nhạc Grigorian, âm nhạc tiền cổ điển thế kỷ 15-16 đã có tới hàng triệu tác phẩm của hàng trăm nhạc sĩ thuộc các thời kỳ, trường phái âm nhạc khác nhau. Nhưng chưa bao giờ có một trường hợp nào hai bản nhạc, hai tác phẩm của 2 tác giả khác nhau lại trùng lặp hoàn toàn tới 99% về các khía cạnh cơ bản cấu thành âm nhạc như: giai điệu, hòa âm, tiết tấu, nhịp điệu…). Lịch sử âm nhạc chưa hề ghi nhận chuyện này bao giờ, (không tính tới lĩnh vực chuyển thể, chuyển biên có ghi nguồn gốc tác giả). Vậy mà Bảo Chấn khẳng định rằng: “Trong âm nhạc, sự trùng lặp là rất bình thường”(?). Ông có thể đưa ra dẫn chứng cụ thể về sự trùng lặp tới 99% này không? Ỏ đây, tôi đang nói về sự giống nhau “y nguyên” trong mọi khía cạnh của 2 tác phẩm “Tình thôi xót xa” và “Frontier” – thậm chí giống nguyên xi cả phần dạo nhạc mở đầu bài hát (Intro). Liệu như vậy có thể coi đây chỉ đơn giản theo lời ông Bảo Chấn: chỉ là “Có sự tương đồng đơn giản là vì hai tác giả có tâm trạng giống nhau, bởi giai điệu được xác lập dựa trên cảm xúc”. Câu này nghe quá thiếu thuyết phục và thiếu hẳn cơ sở lý luận lẫn cả thực tiễn khoa học, nghệ thuật. Không lẽ trưòng hợp của “Tình thôi xót xa” và “Frontier” là ngoại lệ ngàn năm có một, của sự đồng cảm tới từng nốt nhạc, từng dấu chấm dấu phẩy, tới cả câu nhạc dạo? Nếu nói vậy thì tất cả các nhà phê bình lý luận âm nhạc của VN và thế giới đều chịu bó tay mất thôi.
Trên thế giới, người ta có thể xác định tác giả của một tác phẩm âm nhạc được viết ra cách đây hàng trăm năm thông qua bút pháp và các dữ kiện lịch sử cần thiết (ví như trường hợp bản Requiem của Mozart với 7 chương đầu do Mozart đích thân viết, còn những chương sau là do Cherubini – học trò của Mozart hoàn thiện nốt trên cơ sở phác họa nháp của Mozart còn lại).
Lại nói chuyện ông Bảo Chấn so sánh hợp xướng “Các nữ công nhân thuốc lá” từ vở opera “Carmen” của nhạc sĩ thiên tài Pháp thế kỷ 19 Giorgie Bizet và trường ca “Người Hà Nội” của cố nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi. Là một người từng nghe hàng trăm lần vở opera “Carmen” của Bizet tới mức thuộc lòng từng aria, từng hợp xướng và recitative (lời thoại ngâm, trong opera), chưa bao giờ tôi thấy có liên tưởng như thế cả, kể cả về giai điệu lẫn nội dung âm nhạc. Có lẽ vì tôi quá thiếu trí tưởng tượng nên mới không thể liên tưởng nổi.
Một bản hợp xướng với nội dung về các nữ công nhân trong cảnh hỗn loạn khi nhân vật cô gái digan Carmen đang ẩu đả cào mặt
một nữ công nhân đồng nghiệp mắc tội “ngồi lê đôi mách” (opera Carmen) và với hình tượng trữ tình và bi tráng trong trường ca “Người Hà Nội” của cố nhạc sĩ Nguyến Đình Thi. Lẽ nào, theo ông Bảo Chấn, giữa hai tác phẩm này: “có sự tương đồng đơn giản là vì hai tác giả có tâm trạng giống nhau, bởi giai điệu được xác lập dựa trên cảm xúc”. Cũng tức là, theo ông Bảo Chấn: cảm xúc trong âm nhạc Bizet trước một vụ cãi cọ xô xát chợ búa giữa các cô gái digan ỏ châu Âu thế kỷ 19 rất tương đồng với tâm trạng và cảm xúc trong âm nhạc Nguyễn Đình Thi thời kỳ Hà Nội bi thương và sục sôi kháng chiến chống Pháp nhũng năm 1940-1950…?
Trên đây chỉ là một số suy nghĩ tản mạn nhưng cũng rất bức xúc của tôi và một số người bạn trước sự việc liên quan tới hiện tượng “đạo nhạc”, “đạo văn” , “đạo tranh “… đang ngày càng phổ biến. Thực hư về vụ việc nguồn gốc của bản nhạc “Tình thôi xót xa” và “Frontier” chắc chắn còn cần tới sự nghiên cứu xác minh nghiêm túc của giới chuyên môn, các cơ quan thuộc lĩnh vực bản quyền và đương nhiên là cả bằng chính danh dự nghề nghiệp, lòng trung thực và sự dũng cảm của mỗi người nghệ sĩ.
Theo Vnexpress